Một tâm tình nhỏ, một chiêm nghiệm, một tâm đắc nhỏ về nghề luật sư ” hành nghề luật sư là chở đạo”…
Nghề luật sư có phải là một nghề cao quý hay không?
Chúng ta vui mừng biết bao khi một con người đã bị khởi tố, bị bắt giam nay nhờ có sự hướng dẫn, tư vấn của luật sư mà người đó được đình chỉ điều tra và trả tự do. Vui mừng biết bao khi một người bị tòa án cấp sơ thẩm tuyên án tù giam, đến phiên tòa phúc thẩm, nhờ có sự tư vấn, tham gia Tố tụng của luật sư, người đó được trả tự do, được tuyên án vô tội tại phiên tòa, và biết bao nhiêu tranh chấp trên các lĩnh vực Hành chính, kinh tế, dân sự, thương mại…trong đời sống xã hội. Người dân đang bị chiếm dụng tài sản, hoặc đang ngơ ngác trước cả một hệ thống các cơ quan công quyền, trước một rừng các thủ tục Hành chính; Doanh nghiệp đang bế tắc trong cách ứng xử với đối tác, lúc đó người dân và doanh nghiệp như đang trong tối tăm, u minh không biết đường đi; khi gặp luật sư, bằng tri thức của mình luật sư giúp cho đương sự như bừng sáng, thấy được đường đi tới lẽ công bằng, công lý; biết cách hành xử phù hợp pháp luật, phù hợp với đạo làm người và lẽ ở đời.
Từ những thành tựu mà nghề luật sư mang lại cho xã hội như vậy cho nên có thể khẳng định nghề luật sư của chúng ta thật sự là một nghề cao quý!
Tuy nhiên, các vị luật sư đồng nghiệp nhất là các vị luật sư trẻ mới vào nghề phải thấu được một chân lý: Vinh quang bao giờ cũng kèm theo cay đắng; đừng bi quan, nản lòng khi gặp phải đắng cay nghề nghiệp. Bản thân tôi đã qua hơn 20 năm hành nghề luật sư, vinh quang kèm theo cay đắng nghề nghiệp chất đầy, bao nhiêu điều chiêm nghiệm, bao nhiêu nuối tiếc, bao nhiêu điều trăn trở và có bao điều còn xót xa cho nghề luật sư tưởng như không bút giấy nào viết hết. Trong rất nhiều điều trăn trở đó, duy có một điều tôi thấy tâm đắc nhất đó là quan điểm “Hành nghề luật sư là chở đạo”.
Trong suốt hơn 20 năm hành nghề, cứ mỗi việc tôi đã tư vấn, mỗi phiên tòa tôi tham dự xong, dẫu là thành công hay không thành công điều tôi thường nghĩ và liên tưởng đến đầu tiên là câu thơ của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu: ” Chở bao nhiêu Đạo thuyền không khẳm, Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”.
Cái “Đạo” mà Thi nhân Nguyễn Đình Chiểu nêu lên ở đây chính là cái “Đạo làm người” và cái “Lẽ” ở đời . Đó chính là con đường công lý, con đường sáng mà chúng ta đang theo đuổi. Cũng theo nghĩa đó, tôi thường chiêm nghiệm, người luật sư chân chính là người luật sư phải có cái “Tâm” và cái “Đạo” nghề nghiệp. Chữ tâm được nhắc đến ở đây hàm chứa là sự yêu nghề và đạo đức nghề nghiệp trong sáng; chữ “Đạo” ở đây hàm chứa ý nghĩa của sự tinh thông luật pháp, sự hiểu biết sâu xa về công lý, về lẽ công bằng trong mỗi quy phạm luật pháp và những hiểu biết sâu rộng các quan hệ trong đời sống xã hội; Một luật sư Chân chính càng tinh thông luật pháp càng hiểu sâu sắc được cái cái “Đạo” làm người và cái “Lẽ” ở đời.
Cũng theo nghĩa đó, một luật sư giỏi, một luật sư chân chính là những luật sư trong hành nghề phải có những ý kiến tư vấn xác đáng cho khách hàng về việc: Phải làm gì, làm như thế nào? Những việc không nên làm, hậu quả pháp lý và hậu quả xã hội cuối cùng của việc mà đương sự sẽ làm. Và ở đâu, mọi lúc, mọi nơi người luật sư chân chính đều luôn nghỉ đến việc cùng các đồng nghiệp giữ gìn phẩm giá nghề nghiệp. Biết nâng niu những giá trị xã hội mà những luật sư tiền nhân đã gây dựng, biết phát dương quang đại cho nghề nghiệp cả ở quá khứ, hiện tại và tương lai.
Trên thực tế chúng ta đã từng gặp ở đâu đó xung quanh ta, còn nhiều điều tiếng về luật sư, bên cạnh đó cũng có nhiều biểu hiện, nhiều lời ca ngợi về sự sự tinh thông luật pháp của luật sư : Nhiều khách hàng nghe xong ý kiến tư vấn của Luật sư đã tâm phục khẩu phục; kết thúc công việc theo ý kiến tư vấn của Luật sư nhiều khách hàng tâm phục khẩu phục, nhiều khách hàng đã thốt lên trước mặt chúng ta “Luật sư giỏi thật” mặc dù họ đã trã cho ta thù lao rất hậu hĩ nhưng họ vẫn ca ngợi chúng ta.
Để đạt được điều này luật sư chúng ta phải không nên tự mãn, phải liên tục làm giàu kho tri thức và kinh nghiệm của mình thông qua việc học tập:
– Học tập về Đạo đức và ứng xử nghề luật sư; Bộ quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề luật sư chỉ ngắn gọn có 27 quy tắc nhưng trong đó hàm chứa các chuẩn mực Đạo đức, chuẩn mực về ứng xử mà mỗi người luật sư chúng ta phải luôn suy ngẫm để uốn nắn mình suốt cả cuộc đời.
– Học tập về chuyên môn luật pháp, học về kỹ năng hành nghề. Kỹ năng hành nghề luật sư là một phạm trù mang nội hàm rất rộng, học ở trường lớp, sách vở mới chỉ là một phần, Kỹ năng hành nghề chúng ta còn phải học ở đồng nghiệp, học ở các cán bộ Điều tra, Truy tố, Xét xử và học ngay cả khách hàng của chúng ta cùng với các quy phạm xã hội mà chúng ta sẽ gặp trên mỗi bước đường “ Hành nghề luật sư là chở Đạo”.
Với tâm niệm giản đơn và những thấm thía ngề nghiệp mà tôi đã tâm sự nêu trên, tôi tin rằng mỗi người đã là luật sư, đang là luật sư và sẽ là luật sư hãy cố gắng chắt chiu, dành để một chút công sức của mình, trí tuệ của mình, thời gian của mình để cùng nhau vun đắp cho Nghề luật sư của chúng ta và ngôi nhà chung của chúng ta là “Liên đoàn luật sư Việt nam”; cùng nhau vun đắp và giữ gìn phẩm giá nghề nghiệp của Giới luật sư Việt Nam.
Luật sư Lê Quốc Hiền