Pháp lý doanh nghiệp tư nhân

 

Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp. Loại hình doanh nghiệp tư nhân được quy định tại Chương VII (từ Điều 188 đến Điều 193) Luật Doanh nghiệp 2020, có các điểm chính như sau:

1. Bản chất pháp lý

  • Tư nhân: Chủ doanh nghiệp là một cá nhân, mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân;
  • Trách nhiệm vô hạn: Chủ doanh nghiệp tư nhân chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp;
  • Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên công ty hợp danh;
  • Doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần;
  • Doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân;
  • Doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.

2. Vốn đầu tư của chủ sở hữu

Như đã nêu, chủ doanh nghiệp chịu trách nhiệm vô hạn. Do đó, tài sản được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của chủ doanh nghiệp tư nhân không phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, chủ doanh nghiệp tư nhân có nghĩa vụ đăng ký chính xác tổng số vốn đầu tư vào doamh nghiệp tư nhân. Trong đó phải ghi rõ loại tài sản, số lượng và giá trị của mỗi loại tài sản.

Toàn bộ vốn và tài sản kể cả vốn vay và tài sản thuê được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp phải được ghi chép đầy đủ vào sổ kế toán và báo cáo tài chính của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

Trong quá trình hoạt động, chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền tăng hoặc giảm vốn đầu tư của mình vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Việc tăng hoặc giảm vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp phải được ghi chép đầy đủ vào sổ kế toán. Trường hợp giảm vốn đầu tư xuống thấp hơn vốn đầu tư đã đăng ký thì chủ doanh nghiệp tư nhân chỉ được giảm vốn sau khi đã đăng ký với Cơ quan đăng ký kinh doanh.

3. Tổ chức quản lý

Chủ doanh nghiệp tư nhân có toàn quyền quyết định đối với tất cả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; quyết định việc sử dụng lợi nhuận sau khi đã nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.

Chủ doanh nghiệp tư nhân có thể thuê người khác quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh. Trường hợp thuê người khác làm Giám đốc quản lý doanh nghiệp thì vẫn phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Chủ doanh nghiệp tư nhân là đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Tuy nhiên, ở doanh nghiệp tư nhân, không có sự phân biệt tư cách pháp lý của chủ doanh nghiệp với chủ thể kinh doanh là doanh nghiệp.

4. Cho thuê và bán doanh nghiệp tư nhân

4.1. Cho thuê doanh nghiệp tư nhân

Chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền cho thuê toàn bộ doanh nghiệp của mình (nhưng phải thông báo đến Cơ quan đăng ký kinh doanh). Trong thời hạn cho thuê, chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật với tư cách là chủ sở hữu doanh nghiệp. Quyền và trách nhiệm của chủ sở hữu và người thuê đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp được quy định trong hợp đồng cho thuê.

4.2 Bán doanh nghiệp tư nhân

Chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền bán doanh nghiệp của mình cho người khác. Sau khi bán doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp phát sinh trong thời gian trước ngày chuyển giao doanh nghiệp, trừ trường hợp người mua, người bán và chủ nợ của doanh nghiệp có thỏa thuận khác.

Người bán, người mua doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định của pháp luật về lao động. Người mua doanh nghiệp phải đăng ký thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân theo quy định của luật doanh nghiệp.

5. Kết luận

Loại hình doanh nghiệp tư nhân sẽ phù hợp với:

  • Một cá nhân làm chủ và muốn kiểm soát hoàn toàn;
  • Những ai đang tìm kiếm một loại hình doanh nghiệp tin giản, gọn nhẹ, dễ quản lý. Chủ doanh nghiệp hoàn toàn chủ động trong việc quyết định tất cả các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp;
  • Những ai đang tìm kiếm loại doanh nghiệp mà thông qua uy tín và tài sản cá nhân, có thể dễ dàng có được sự tin tưởng của khách hàng, đối tác;
  • Ngành nghề truyền thống, phát triển từ hộ kinh doanh.

Trên đây là những điểm chính về loại hình doanh nghiệp tư nhân. Hy vọng nội dung này sẽ hữu ích cho quý bạn đọc. Nếu bạn muốn tư vấn thêm về việc lựa chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp, bạn có thể liên hệ với chúng tôi qua hotline 0936 368 638 để được hỗ trợ. Xin cảm ơn!

 

 

Leave Comments

0833.666.268
0833.666.268