Phí sang tên quyền sử dụng đất được thừa kế

Nội dung câu hỏi:

Bà ngoại tôi mất có để lại di chúc cho mẹ tôi thừa kế một mảnh đất. Sổ đỏ hiện nay vẫn đứng tên bà tôi, giờ mẹ tôi muốn được sang tên thì thủ tục và chi phí như thế nào? Xin cảm ơn!

Trả lời:

Thứ nhất, về thủ tục sang tên

Để sang tên quyền sử dụng đất theo di chúc, trước tiên cần thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế. Việc khai nhận di sản thừa kế được tiến hành tại tổ chức hành nghề công chứng nơi có đất theo quy định của Luật công chứng. Theo đó, bạn cần chuẩn bị các giấy tờ sau:

– Di chúc hợp pháp.

– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;

– Giấy chứng tử của người để lại di sản thừa kế;

– CMND/Hộ khẩu của người nhận di sản;

– Và các giấy tờ khác có liên quan.

Sau khi tiếp nhận hồ sơ, văn phòng công chứng sẽ thực hiện việc niêm yết “văn bản thông báo khai nhận di sản thừa kế” tại Ủy ban nhân dân phường, xã trong thời hạn 15 ngày;

Sau thời gian niêm yết, nếu không có khiếu nại, khiếu kiện nào (đã có xác nhận của Ủy ban nhân dân phường, xã) thì Công chứng viên sẽ công chứng Văn bản khai nhận di sản thừa kế.

Cuối cùng, cùng với Văn bản khai nhận di sản đã được công chứng, bạn nộp 01 bộ hồ sơ tại Văn phòng đăng ký đất đai tại quận, huyện có đất để hoàn tất thủ tục sang tên.

Thứ hai, về các chi phí phải nộp

Phí công chứng: Theo mức phí niêm yết tại phòng/văn phòng công chứng.

Thuế thu nhập cá nhân và lệ phí trước bạ:

Theo khoản 10 Điều 9 Nghị định 140/2016/NĐ-CP về lệ phí trước bạ và theo điểm d khoản 1 Điều 3 Thông tư 111/2013/TT-BTC về hướng dẫn luật Thuế thu nhập cá nhân thì trường hợp nhận thừa kế nhà, đất giữa: Cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ thì không phải nộp thuế, lệ phí trước bạ.

Như vậy, trường hợp để lại thừa kế quyền sử dụng đất giữa bà ngoại và mẹ của bạn (mẹ đẻ với con đẻ) thì không phải nộp thuế thu nhập cá nhân và lệ phí trước bạ.

Ngoài ra, còn phải nộp lệ phí địa chính, mức nộp tùy vào quy định tại địa phương.

 

 

 

Leave Comments

0833.666.268
0833.666.268