1. Thời hiệu khởi kiện là gì?
Thời hiệu khởi kiện chính là thời hạn mà chúng ta được quyền khởi kiện. Thời hạn đó do pháp luật ấn định, có thể là 2 năm, 3 năm… được tính kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của chúng ta bị xâm phạm. Nếu quá thời hạn này mà chúng ta không khởi kiện thì bị mất quyền khởi kiện (Khoản 3 Điều 150 Bộ luật Dân sự 2015).
Như vậy, pháp luật định ra thời hiệu khởi kiện là để hạn chế thời gian thực hiện quyền khởi kiện, việc này nhằm mục đích ổn định các quan hệ pháp luật. Tuy nhiên, thời hiệu khởi kiện đối với những loại tranh chấp khác nhau là không giống nhau, và không phải vụ kiện nào cũng áp dụng thời hiệu khởi kiện.
Để biết vụ tranh chấp của mình có còn thời hiệu khởi kiện hay không, hãy xem xét thời hiệu cụ thể của từng loại tranh chấp dưới đây.
2. Thời hiệu khởi kiện của từng loại tranh chấp dân sự
2.1. Những loại tranh chấp không áp dụng thời hiệu khởi kiện
Không áp dụng thời hiệu khởi kiện nghĩa là đối với loại tranh chấp đó bạn được quyền khởi kiện bất cứ lúc nào mà không bị hạn chế về thời gian. Các trường hợp này được quy định tại Điều 155 Bộ luật Dân sự 2015, bao gồm:
- Yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân không gắn với tài sản;
- Yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác;
- Tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai.
Ngoài ra, các tranh chấp về hôn nhân gia đình như: Tranh chấp ly hôn, tranh chấp yêu cầu chia tài sản sau ly hôn, tranh chấp yêu cầu thay đổi quyền nuôi con, tranh chấp về cấp dưỡng nuôi con… cũng không áp dụng thời hiệu khởi kiện.
2.2. Tranh chấp hợp đồng
Trên thực tế, tranh chấp hợp đồng là loại tranh chấp rất phổ biến và vô cùng đa dạng. Có thể hình dung các tranh chấp hợp đồng phát sinh từ các loại hợp đồng thông dụng như: Hợp đồng đặt cọc, hợp đồng mua bán tài sản, hợp đồng thuê, hợp đồng tư vấn, hợp đồng dịch vụ, hợp đồng trao đổi, hợp đồng tặng cho, hợp đồng vay, hợp đồng mượn, hợp đồng về quyền sử dụng đất, hợp đồng vận chuyển, hợp đồng gia công, hợp đồng gửi giữ, hợp đồng ủy quyền…
Thời hiệu khởi kiện tranh chấp hợp đồng dân sự là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm (Điều 429 Bộ luật Dân sự 2015).
2.3. Tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một loại trách nhiệm dân sự của bên có lỗi gây hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân; gây hại đến danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc các chủ thể khác.
Hiểu ngắn gọn, nó là tranh chấp giữa bên gây thiệt hại và bên bị thiệt hại về vấn đề bồi thường. Sở dĩ gọi là bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là để phân biệt với các thiệt hại xảy ra do một bên vi phạm hợp đồng trong tranh chấp hợp đồng.
Ví dụ: A lái xe quá tốc độ đâm vào vào xe của B, làm cho xe của B hư hỏng nặng. Sau đó, B khởi kiện A, yêu cầu A bồi thường do làm hư hỏng xe của B. Tranh chấp giữa A và B chính là tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm (Điều 429 Bộ luật Dân sự 2015).
2.4. Tranh chấp thừa kế
Thừa kế là việc chuyển dịch tài sản của người đã chết cho người còn sống, tài sản để lại được gọi là di sản. Di sản thừa kế có thể là hiện vật, tiền, giấy tờ trị giá được thành tiền, quyền tài sản thuộc sở hữu của người để lại di sản.
Một người có thể được hưởng di sản thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật, họ được gọi là người thừa kế. Theo quy định của pháp luật, tranh chấp di sản thừa kế bao gồm tranh chấp buộc người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại, thanh toán các khoản chi từ di sản hoặc theo yêu cầu chia di sản thừa kế, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác.
Điều 623 Bộ luật dân sự 2015 quy định về thời hiệu khởi kiện thừa kế như sau:
“1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:
- a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;
- b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này.
- Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
- Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.”
Lưu ý: Đối với những lĩnh vực đặc thù, pháp luật chuyên ngành có quy định về thời hiệu khởi kiện thì áp dụng các quy định đó. Ví dụ trong hoạt động hàng hải thì Bộ Luật Hàng hải Việt Nam 2015 quy định:
- Thời hiệu khởi kiện về hư hỏng, mất mát hàng hóa là 01 năm, kể từ ngày trả hàng hoặc lẽ ra phải trả hàng cho người nhận hàng (Điều 169 Bộ Luật Hàng hải Việt Nam 2015);
- Thời hiệu khởi kiện về việc thực hiện hợp đồng vận chuyển theo chuyến là 02 năm, kể từ ngày người khởi kiện biết hoặc phải biết quyền lợi của mình bị xâm phạm (Điều 195 Bộ Luật Hàng hải Việt Nam 2015).
Trên đây là các quy định về thời hiệu khởi kiện đối với từng loại tranh chấp dân sự. Ngoài ra, pháp luật còn quy định về thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện, hoặc những trường hợp bắt đầu lại khởi kiện (Điều 156, 157 Bộ luật dân sự 2015). Tuy nhiên, để áp dụng những quy định này cần phải xem xét các tình viết cụ thể với từng vụ tranh chấp trên thực tế. Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn dựa trên những thông tin bạn cung cấp. Nếu còn vấn đề chưa rõ, bạn có thể liên hệ qua với chúng tôi qua hotline 0936 368 638 để được giải đáp. Xin cảm ơn!